Web Content Viewer
Actions- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
07/04/2024
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh bao gồm cả thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại đang gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý khiến việc tìm giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế trở thành vấn đề rất cấp bách.
Yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế
Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây với các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Riêng khu vực ASEAN + 3, theo Báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu bền vững đạt quy mô gần 800 tỷ USD năm 2023, gấp hơn 7 lần so với 2017.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp đó, vào tháng 10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa tái khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách"
Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…
Hoàn thiện pháp lý là vấn đề cấp bách
Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Các chuyên gia đánh giá những vướng mắc và khó khăn cho thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là vấn đề cấp bách
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.
Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trước ngày 31/12/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Danh mục Phân loại xanh trình Chính phủ. Tuy nhiên, do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng, đến nay Danh mục Phân loại xanh vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn cho việc thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, cũng như hoạt động tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV thẳng thắn chỉ ra những khó khăn tại Hội thảo
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng: Việt Nam hiện đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy về tăng trưởng xanh, quan trọng là chúng ta đã có hệ thống văn bản, khung pháp lý, chiến lược hành động khá đầy đủ đây là tín hiệu và nhận thức đáng mừng. Tuy nhiên theo ông Lực, quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ, trong khi trái phiếu xanh chỉ đạt 1,16 tỷ USD trong vòng 5 năm qua - con số nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Ông Lực cũng cho biết thêm việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều khó khăn vì thiếu khung pháp lý, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng ; cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn, khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh…
Ngân hàng chung tay tháo gỡ điểm nghẽn
Về phía ngành ngân hàng, với chức năng là một trong những kênh dẫn vốn của nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam luôn dao động ở mức cao, hoạt động tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các Đề án, Chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể là cần bổ sung, hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các TCTD đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh và phải thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng – ngân hàng xanh.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.
Là Ngân hàng thương mại lớn nhất (NHTM) Việt Nam về quy mô, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định việc cam kết tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược cốt yếu trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, Agribank đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh trên cơ sở tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank cam kết triển khai tiêu chí môi trường đồng bộ trong toàn bộ hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với tín dụng xanh, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” của Tạp chí Nhà Đầu tư được tổ chức ngày 03/4/2024, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo và triển khai ESG trong hệ thống Agribank chia sẻ: Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức để triển khai ngân hàng xanh hiệu quả; Triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế; Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh; phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế; Hoàn thiện các tiêu chí về xã hội của Agribank; Thường xuyên thực hiện tuyên truyền và đào tạo sâu, rộng trong nội bộ và đến khách hàng Agribank về phát triển bền vững; Hướng tới xây dựng báo cáo độc lập về phát triển bền vững, ESG và kiểm toán báo cáo ESG… để công tác được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và hạn chế được khó khăn, vướng mắc trong thực hiện ESG cũng như hướng đến các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai ESG trong hệ thống Agribank.
Để chung tay tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, Agribank cùng nhất trí quan điểm về một Danh mục Phân loại xanh và bộ tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; Nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
Việc Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN ban hành, hướng dẫn, tuyên truyền khung pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và NHTM sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng hội nhập của nền kinh tế, quốc tế; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, NHTM chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất sự hỗ trợ của Chính phủ với hệ thống Ngân hàng và các TCTD trong nước để ngày càng tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, gói tài trợ đối với tín dụng xanh của các Tổ chức trên Thế giới.
Hồ Minh Nguyệt
Các tin khác
- Tín dụng xanh tại Agribank: Khoản vay lâm nghiệp bền vững đứng đầu về lượng khách hàng
- Agribank phối hợp với Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước tổ chức Tọa đàm “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc”
- Đảng bộ Agribank quyết tâm đi đầu trong chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững (ESG)
- Agribank tham gia tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Ngân hàng”
- Agribank tham dự và phát biểu tại Diễn đàn ESG: Từ ý tưởng đến hành động
- Agribank khai mạc chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG
- Khuôn khổ pháp lý, thực trạng và giải pháp triển khai ESG tại Agribank
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
- Agribank - Vì tương lai xanh, từ phong trào đến mục tiêu “Phát triển bền vững”
- Agribank và ESG – Hành trình bền bỉ, cam kết thực thi