Về Agribank > Lịch sử & Định hướng

Lịch sử Agribank

Lịch sử

  • 2024

    Năm 2024, hoạt động Agribank tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả với tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn vượt 2 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, trong đó luôn dành khoảng 65% dư nợ đầu tư “Tam nông”. Tiên phong, gương mẫu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các giải pháp về lãi suất, cơ cấu nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối. 

    Agribank tiên phong, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Agribank phát triển và cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại, đa dạng kênh dẫn vốn, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

    Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, đặc biệt là bão số 3 vừa qua. Hàng năm, Agribank dành 300 - 400 tỷ đồng dành cho các hoạt động an sinh xã hội. Riêng năm 2024, Agribank dành trên 660 tỷ đồng từ nguồn tài chính và đóng góp tự nguyện của người lao động để thực hiện các chương trình an sinh xã hội trong cả nước. 

    Agribank tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng danh giá. Agribank là Ngân hàng duy nhất được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024”; Agribank được xếp hạng 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và là ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thứ 2 ở Việt Nam. Agribank tiếp tục được Moody’s xếp hạng "Ba2", Fitch Ratings xếp hạng "BB+", triển vọng Ổn định, tương đương với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia và là mức xếp hạng cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam; Agribank được vinh dự đón nhận giải thưởng “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”, “Chất lượng Quốc Gia”, giải thưởng Sao Khuê; giải thưởng “Sao Vàng đất Việt”, và nhiều giải thưởng quan trọng khác.
     

  • 2023

    Năm 2023, tổng tài sản của Agribank chính thức vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,86 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,53 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Agribank tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank.

    Trong năm 2023, Agribank triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200 ngàn tỷ đồng, 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng; Phát hành thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, sẵn sàng nguồn vốn phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thanh khoản và các tỷ lệ an toàn hoạt động.

    Agribank tiếp tục tập trung phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu với phương châm "lấy khách hàng làm trung tâm". 

    Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank dành nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa,...

    Tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (26/3/1988-26/3/2023), Agribank vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất. Uy tín thương hiệu Agribank tiếp tục được khẳng định, ghi nhận với nhiều giải thưởng, danh hiệu trong nước và quốc tế: Fitch Ratings nâng xếp hạng Nhà phát hành dài hạn của Agribank lên mức “BB+” với triển vọng “Ổn định”, tương đương xếp hạng quốc gia; Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance xếp hạng Agribank - Top 10 thương hiệu ngân hàng Việt Nam trong 500 thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới; Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023; Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng VNR500; Giải thưởng Sao Khuê: Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu...
     

  • 2022

    Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,82 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,63 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

    Trong năm 2022 Agribank một lần nữa khẳng định vị thế của mình bằng việc đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đối với giải thưởng trong nước: Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tỉ lệ giao dịch thanh toán chạm; Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022; Top 10 Thương hiệu Mạnh ngành Ngân hàng Tài chính năm 2022 (do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times bình chọn); Giải thưởng Chuyển đổi Số Việt Nam năm 2022, Agribank được vinh danh tại 2 hạng mục đó là Sản phẩm cộng nghệ số tiêu biểu của Hệ thống thanh toán giá trị thấp thời gian thực và Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc của Hệ thống hạ tầng thanh toán tập trung ; Giải thưởng Sao Khuê 2022 với sản phẩm Thẻ Agribank Lộc Việt; Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2022; Top 10 Ngân hàng Thương mại Việt Nam uy tín năm 2022 (Vietnam Report).

    Về giải thưởng quốc tế của Agribank năm 2022: Agribank được ngân hàng JP Morgan-Mỹ trao tặng giải thưởng “Chất lượng Thanh toán xuất sắc”; tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng hạng tiền gửi nội tệ và nhà phát hành nội tệ/ngoại tệ từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”. Thương hiệu Agribank được xếp hạng cao nhất trong các Ngân hàng Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022. Tại bảng xếp hạng này Agribank đứng thứ 157 tăng 16 bậc so với năm 2021,  xếp hạng cao nhất trong 11 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam được xếp hạng toàn cầu năm 2022. 
     

  • 2021

    Đến 31/12/2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

    Năm 2021 Agribank tiếp tục đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đối với giải thưởng trong nước: Agribank tiếp tục được xếp hạng TOP10 VNR500 và giữ vị trí thứ nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam; Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2021 (Vietnam Report); Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng năm 2021 (do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy - Vietnam bình chọn); TOP10 Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2020 (do Tổng cục Thuế công bố); Giải thưởng Sao Khuê 2021 với sản phẩm Agribank Realtime Payments; Tại lễ vinh danh các ngân hàng thành viên tiêu biểu có đóng góp cho hoạt động của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, góp phần thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank được vinh danh tại 2 hạng mục “Ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả đầu tư và phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ và “Ngân hàng nổi bật trong các dịch vụ tiềm năng” do Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức.

    Giải thưởng quốc tế của Agribank năm 2021: Agribank được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố giữ nguyên các xếp hạng tín nhiệm quốc tế của Agribank và nâng triển vọng xếp hạng từ “Tiêu cực” lên mức “Tích cực”. Thương hiệu Agribank luôn đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của Công ty Brand Finance năm 2021: Top 5 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 50; Xếp hạng 173, tăng 17 bậc so với năm 2020 và cũng là xếp hạng cao nhất trong số 9 ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bảng xếp Brand Finance Banking 500 năm 2021. Cũng trong năm 2021, Tạp chí Asian Banker xếp hạng Agribank 138/500 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nâng xếp hạng về chất lượng hoạt động của Agribank lên 96 bậc so với công bố vào năm 2020; Đứng thứ 397/1000 ngân hàng hàng đầu thế giới, tăng 65 bậc so với bảng xếp hạng được công bố vào năm 2020 với quy mô tài sản lớn nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam.

  • 2020

    Đến 31/12/2020, tổng tài sản đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

    Năm 2020, Agribank tiếp tục được khẳng định là Quán quân các NHTM được vinh danh vị trí thứ 8 trong Bảng xếp hạng VNR500; được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố mức xếp hạng của Agribank là Ba3, tương đương mức tín nhiệm quốc gia và là mức xếp hạng cao nhất đối với các NHTM ở Việt Nam. Agribank đứng thứ 190 – xếp hạng cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500. Agribank nhận giải thưởng Tỷ lệ điện thanh toán chuẩn xuất sắc năm 2019 do ngân hàng The Bank of New York Mellon trao tặng. Agribank được nhận 03 giải thưởng do Asian banking & Finance trao tặng (Ngân hàng thực hiện trách nhiệm xã hội và chương trình Xanh của năm (giải nhì khu vực Châu á Thái bình dương); ngân hàng có giải pháp ứng dụng thanh toán trên điện thoại hay nhất của năm (phạm vi Việt nam); ngân hàng bán lẻ nội địa tốt nhất năm Việt Nam)

    Agribank vinh dự đạt giải Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020; TOP 3 Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2019; Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020. Agribank tiếp tục đạt giải thưởng Ngân hàng vì cộng đồng 2020 vì những đóng góp tích cực hỗ trợ cộng đồng qua các chương trình tín dụng chính sách, các hoạt động an sinh xã hội... Ngoài ra, ngân hàng tự động Agribank AutoBank CDM 24/7 cũng đã xuất sắc đạt giải thưởng Sao Khuê cho phần mềm/hệ thống xuất sắc nhất trong lĩnh vực Ngân hàng – Tài chính năm 2020. Agribank được nhận bằng khen vì những nỗ lực trong kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020. Agribank được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII giai đoạn 2020 – 2025…
     

  • 2019

    Tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng; Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ.

    Năm 2019, Agribank tiếp tục được khẳng định là Quán quân các NHTM được vinh danh vị trí thứ 8 trong Bảng xếp hạng VNR500; được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố mức xếp hạng của Agribank là Ba3, tương đương mức tín nhiệm quốc gia và là mức xếp hạng cao nhất đối với các NHTM ở Việt Nam; Agribank được xếp hạng thứ 142/500 ngân hàng lớn nhất Châu Á về quy mô tài sản; Giữ vững vị thế TOP 3 ngân hàng thương mại dẫn đầu trên thị trường thẻ; Vinh dự đón nhận các giải thưởng: Ngân hàng hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu năm 2019, Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng năm 2019, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019, Top 20 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, 02 Giải thưởng Sao Khuê 2019 dành cho hạng mục hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng đối với 02 sản phẩm Hệ thống thanh toán Kiều hối tập trung (ARS) và Hệ thống thanh toán hóa đơn (Bill Payment), Giải thưởng thương hiệu Quốc gia (đối với 05 sản phẩm: Thẻ chip EMV, Agribank E-Mobile Banking, AgriTax, Thanh toán biên mậu qua Internet Banking, Cho vay nông nghiệp).

  • 2018

    Tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 73,6%/tổng dư nợ và chiếm 51% thị phần tín dụng của ngành Ngân hàng đầu tư lĩnh vực này.

    Các giải thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất; Top 50 Doanh nghiệp thành tựu theo bảng xếp hạng VNR500 (dẫn đầu các NHTM trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, đứng thứ 7 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam); Thương hiệu quốc gia 2018; Giải “Sao khuê 2018” với Hệ thống/Phần mềm CNTT xuất sắc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; “Chất lượng thanh toán xuất sắc năm 2018” do Ngân hàng J.P.Morgan trao tặng; Top 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường thẻ; Được tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch Ratings nâng mức đánh giá xếp hạng tự nguyện về Nhà phát hành nợ dài hạn từ mức “B+” lên “BB-” với triển vọng “Ổn định”; Tạp chí The Banker bình chọn Agribank đứng thứ 465 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới và xếp thứ 2 quốc gia năm 2018...

  • 2017

    Tập trung đẩy mạnh việc triển khai dự án E-Banking để xây dựng nền tảng dịch vụ đa kênh hoàn chỉnh, giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Internet Banking và Mobile Banking.

    Thực hiện Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp sạch từ nguồn vốn vay thương mại, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình, với lãi suất cho vay giảm 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank.

  • 2016

    Tháng 8

    Agribank ký thỏa thuận với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc hợp tác trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

    Tháng 9

    Agribank tiếp tục ký kết thỏa thuận liên ngành với các hội: Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

    Agribank nhận giải thưởng Sao Khuê 2016 cho hai ứng dụng phần mềm xuất sắc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng là Agribank E-Mobile Banking và Hệ thống phát hành và thanh toán thẻ Chip theo chuẩn EMV.

    Trong năm 2016

    Agribank “mở đường” phát triển nông nghiệp sạch thông qua cung cấp gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng nhằm đầu tư chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn với quy mô lớn.

    Agribank là một trong 3 ngân hàng có doanh số đấu thầu trái phiếu lớn nhất thị trường, được Bộ Tài chính tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước thông qua phát hành Trái phiếu Chính phủ.

    Agribank ký kết 104 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với đối tác nước ngoài, trong đó có 40 thỏa thuận chung, 13 thỏa thuận TTTM, 36 thỏa thuận cung cấp sản phẩm dịch vụ, 15 thỏa thuận chia sẻ phí. 

    Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN, Agribank đã ký Biên bản ghi nhớ với ICBC.
     

  • 2015

    Tháng 8

    Agribank đã hoàn thành mục tiêu giảm nợ xấu về mức dưới 3% sớm hơn 4 tháng theo phê duyệt của NHNN và tiếp tục nỗ lực giảm nợ xấu về 1,89% tại thời điểm 31/12/2016.

    Tháng 9

    Agribank trở thành thành viên của Eurogiro - Liên minh giữa Ngân hàng và Tổ chức Bưu điện tại các nước.

    Ra mắt hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV với chủ đề “Công nghệ kết nối tương lai”.
     

  • 2014

    Tháng 10

    Agribank phối hợp với Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn Châu Á Thái Bình Dương (APRACA) tổ chức thành công hội thảo “Hệ thống cho vay nông nghiệp” với sự tham gia của các đại biểu từ 12 quốc gia thành viên.

    Trong năm 2014

    Agribank ký kết 36 hiệp định khung và biên bản ghi nhớ, 96 thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, đặc biệt ngân hàng đã hoàn thành đàm phán ký kết thỏa thuận khung ISDA với Ngân hàng BNP Paribas. 

    Triển khai “Chương trình thi đua ABIC cùng Agribank chung tay xây dựng nông thôn mới”.
     

  • 2013

    Ban hành Nghị quyết số 450/2013/NQ-HĐTV về việc triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank.

  • 2012

    9 tháng 4

    Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản được thành lập theo Quyết định số 635/QĐ-NHNN ngày của NHNN. 

    Trong năm 2012

    Đội ngũ cán bộ, viên chức của Agribank lên tới gần 40.000 người, chiếm trên 40% cán bộ, viên chức ngành Ngân hàng cả nước.

    Agribank trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam về mạng lưới hoạt động với gần 2.400 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc, có chi nhánh tại Campuchia. 

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Agribank là ngân hàng phục vụ Khoản tài trợ bổ sung cho Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” với tổng giá trị 23 triệu USD.

  • 2011

    31 tháng 1

    Quyết định số 214/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN chuyển đổi mô hình hoạt động của Agribank sang mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. 

    Cuối năm 2011

    Đầu tư cho “tam nông” của Agribank đạt mốc 300.000 tỷ đồng, dẫn đầu các tổ chức tín dụng trong việc cho vay thí điểm xây dựng nông thôn mới.

  • 2010

    28 tháng 6

    Chính thức khai trương chi nhánh tại Campuchia.

    16 tháng 7

    Agribank đã có Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo ngày về việc ban hành quy định thực hiện Nghị định 41 về cho vay hộ gia đình sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ của khu vực này luôn ở mức 70% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

    Tháng 12

    Agribank được Tổ chức thẻ Quốc tế MasterCard vinh danh tại lễ trao giải “MasterCard Hall of  Fame 2010”.

    Agribank phát hành 2,1 triệu thẻ chỉ riêng trong năm 2010, nâng tổng số thẻ lên đến hơn 6,3 thẻ triệu,khẳng định vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chủ thẻ.

    Hội đồng Quản trị Agribank đã ra quyết định số 1269/QĐ-HĐQT ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, được ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn tại Quyết định số 2339/QĐ-NHNN ngày 5/10/2010 thay thế Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam theo Quyết định số 117/QĐ/HĐQT-TCCB ngày 3/6/2002. 

  • 2009

    Chủ tịch HĐQT Agribank đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, Agribank đặt mục tiêu giữ vững tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm 70% dư nợ vào năm 2020.

  • 2008

    Agribank hoàn thành xây dựng module phân loại nợ tự động trên hệ thống IPCAR, đáp ứng yêu cầu của Quyết định 493/2005/NHNN và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN.

  • 2007

    Agribank ký kết hợp đồng đào tạo có giá trị 5 triệu Euro với nguồn vốn do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, nhằm tập trung đào tạo kỹ năng quản lý cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

    Agribank mở Văn phòng đại diện tại Campuchia. 

  • 2006

    18 tháng 10

    Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp được thành lập. 

  • 2005

    Thẻ ghi nợ nội địa Success ra đời như một bước đột phá trong việc cung cấp các dịch vụ tiện ích tới khách hàng.

    Tổ chức thẻ quốc tế VISA đã tiến hành lắp đặt thiết bị hỗ trợ chuẩn chi (VAP) tại Agribank, tạo thuận lợi cho quá trình tham gia thị trường thẻ quốc tế của Agribank.

    Thành lập  thêm Sở Quản lý và Kinh doanh vốn và ngoại tệ. 

  • 2004

    29 tháng 1

    Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 43/QĐ/GĐQT-TCCB.

    Tháng 7

    Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên ban hành cuốn sổ tay tín dụng, quy định những hệ thống chính sách trình tự cho vay chặt chẽ theo thông lệ quốc tế. 

    Trong năm 2004

    Agribank đã thành lập Ủy ban Quản lý tài sản nợ và tài sản có trực thuộc Hội đồng Quản trị.

  • 2003

    24 tháng 3

    Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP (VIET NAM AGRIBANK GOLD CORPORATION JSC. – AJC) được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ/HĐQT-TCCB.

    16 tháng 6

    Quyết định số 596/NHNN-TCCB ngày của Tổng Giám đốc Agribank “Quy định về công tác đào tạo trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam”

    18 tháng 7

    Trung tâm thẻ của Agribank được thành lập.

    Trong năm 2003 

    Agribank xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thông tin khách hàng trên cơ sở dữ liệu Oracle.

    Agribank đã ký hợp đồng đại lý trực tiếp với Công ty chuyển tiền nhanh Western Union.

    Agribank ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tổng số tiền 1.468 triệu đồng và sử dụng vào việc xây dựng 35 căn nhà  tình nghĩa  tại 9  tỉnh  tặng các đối  tượng chính sách. 

  • 2002

    Agribank thực hiện đầy đủ hệ thống kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế. 

  • 2001

    19 tháng 4

    Hội đồng Quản trị Agribank đã có quyết sách quan trọng thể hiện tại Quyết định số 80/QĐ-HĐQT-02, ban hành mô hình cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành của Ngân hàng. 

  • 2000

    Tháng 9

    Hệ thống chuyển tiền điện tử áp dụng công nghệ tiên tiến đã được vận hành tại 9 chi nhánh gồm: Sở giao dịch, NHNo Hà Nội, Sở giao dịch I, NHNo Hà Tây, NHNo Láng Hạ, Sở giao dịch III (NHTP Đà Nẵng), Sở giao dịch II (NHNo Sài Gòn), NHNo Cần Thơ, NH 50 Bến Chương Dương. 

    20 tháng 12

    Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco), một trong những công ty chứng khoán đầu tiên hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 269/QĐ/HĐQT của Agribank.

    Trong năm 2000

    Ban Lãnh đạo Agribank đã xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển cho đến năm 2010 với phương châm và triết lý kinh doanh: “Mang phồn thịnh đến với khách hàng”.

    Cuối năm 2000

    Agribank đã phát triển được hơn 2.300 chi nhánh trên mọi miền đất nước. 

  • 1999

    Tháng 4

    Triển khai thực hiện Quyết định 67/1999/ QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

    Tháng 10

    Hệ thống máy ATM của Agribank được đưa vào hoạt động.

    23 tháng 10

    Agribank có Nghị quyết liên tịch số 2308 với Hội nông dân Việt Nam

  • 1998

    14 tháng 7

    Công ty Cho thuê tài chính I là đơn vị hoạch toán độc lập trực thuộc Agribank được thành lập theo Quyết định thành lập số 238/QD-NHNN5 của Thống đốc NHNN.

    Tháng 7

    Công ty cho thuê Tài chính 2 (ALC2) là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị thành viên hạch toán độc lập của Agribank được thành lập theo Quyết định số 239/1998/QĐ-NHNN5 của Thống đốc NHNN.

  • 1997

    27 tháng 8

    Tổng Giám đốc Agribank ban hành văn bản số 1667/NHNo-06 quy định hộ sản xuất vay tối đa 5 triệu đồng không phải thế chấp tài sản, chỉ cần kê danh mục tài sản làm đảm bảo trong đơn xin vay. 

    Tháng 11

    Tổng Giám đốc Agribank ban hành văn bản 1022/NHNo-06 bổ sung đối tượng vay vốn đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản gồm trồng cây dài ngày, chè, cà phê, cao su, điều, cây ăn quả có giá trị cao, kinh tế trang trại.

  • 1996

    1 tháng 1

    Ngân hàng Phục vụ người nghèo chính thức đi vào hoạt động.

    23 tháng 1

    Lễ trao tặng Huân chương Lao động cho NHNo tại Hà Nội.

    19 tháng 5

    NHNo ra Quyết định 210/NHNo-QĐ cho triển khai toàn hệ thống hình thức Chi nhánh loại IV thay cho tên gọi Ngân hàng liên xã. 

    Tháng 6

    NHNo đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 34 Ban điều hành APRACA tại Hà Nội. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối ngoại nhằm đẩy mạnh sự hợp tác có hiệu quả của của NHNo với APRACA.

    15 tháng 11

    Quyết định số 280/QĐ-NHNN của NHNN đổi tên NHNo Việt Nam thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), hoạt động theo mô hình Tổng Công ty Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 90/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

    20 tháng 12

    Agribank thực hiện thí điểm thanh toán xuất nhập khẩu, mậu dịch biên giới giữa hai ngân hàng - Ngân hàng Nông nghiệp Hải Ninh (Quảng Ninh) và Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái. 

    26 tháng 12

    Công đoàn Agribank được thành lập theo Quyết định số 312/ToC-CĐNH của Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.

  • 1995

    Tháng 2

    NHNo tham gia hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế (SWIFT), đây là điều kiện thuận lợi cho NHNo Việt Nam mở rộng và nâng cao chất lượng thanh toán quốc tế.

    Tháng 3

    Quỹ Cho vay ưu đãi hộ nghèo được thành lập theo quyết định của Thống đốc NHNN.

    24 tháng 3

    Công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về việc thiết lập Quỹ Cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất của NHNo. 

    15 tháng 8

    Khai trương Ngân hàng Liên doanh VINASIAM – liên doanh giữa NHNo với Ngân hàng thương mại Siam và Tập đoàn CP (Thái Lan) với số vốn điều lệ ban đầu của ngân hàng  này là 15.000.000 USD.

    31 tháng 8

    Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg cho phép thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo. 

    1 tháng 9

    Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm ký Quyết định số 230/QĐ-NH5 về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. 

  • 1994

    1 tháng 1

    Văn bản 946A đã được ban hành thay thế văn bản 946 trước đây, và được gọi là Khoán 946A. Khoán 946A thực chất là khoán tiền lương trên kết quả thu chi của từng đơn vị, có chênh lệch thu chi càng cao thì quỹ tiền lương càng cao và ngược lại.

    30 tháng 7

    Thống đốc NHNN ra Quyết định số 160/QĐ-NHN9 chấp thuận đổi mới mô hình tổ chức quản lý của NHNo Việt Nam.

    Từ tháng 8

    Hình thành Khối kinh tế đối ngoại và Quản lý hối đoái (do ông Đỗ Tất Ngọc làm Giám đốc) có chức năng tham mưu và chỉ đạo các hoạt động quan hệ quốc tế, dự án nước ngoài và kinh doanh đối ngoại. Sở Kinh doanh hối đoái (do ông Nguyễn Gia Huân làm giám đốc) là đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh đối ngoại tại Trung tâm điều hành.

    20 tháng 9

    NHNo ban hành văn bản số 1082/NHNo-Việt Nam quy định tổ chức mạng lưới và nghiệp vụ thu đổi ngoại tệ. 

    4 tháng 10

    NHNo ra văn bản số 1164/NHNO-TT hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị các điều kiện, mở rộng triển khai mở tài khoản cá nhân, khuyến khích thanh toán séc cá nhân.

  • 1993

    12 tháng 2

    NHNo đã ban hành văn bản số 152/NHNo-TT hướng dẫn thực hiện thanh toán qua mạng trong hệ thống. 

    20 tháng 9

    NHNo ban hành văn bản số 1234/NHNo-TT hướng dẫn thanh toán tay ba giữa người đi vay, ngân hàng, và người cung ứng dịch vụ (khi cho hộ sản xuất vay vốn qua cửa hàng bán vật tư nông nghiệp). 

    27 tháng 8

    Tổng Giám đốc NHNo ban hành văn bản 495D/NHNo-KH quy định về xây dựng, tổ chức thực hiện KHKD trong toàn hệ thống NHNNVN. Văn bản này thay thế cho văn bản văn bản số 495/NHNo-KH.

    2 tháng 9

    Tổng Giám đốc NHNo ban hành văn bản số 499A/NHNo-TDNT về biện pháp nghiệp vụ cho vay hộ sản xuất.

    Từ năm 1993

    NHNo đã nhận làm dịch vụ ủy thác đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thông qua các dự án phát triển có vốn nước ngoài.

  • 1992

    24 tháng 6

    NHNo Việt Nam ban hành Văn bản số 495/NHNo-KH về Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng tổng hợp trong hệ thống NHNN Việt Nam.

    Tháng 10

    Thành lập Sở Giao dịch đối ngoại (tức Sở Kinh doanh hối đoái sau này).

    10 tháng 12

    NHNo Việt Nam thí điểm thực hiện chuyển tiền qua mạng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 5 đơn vị tham gia, tiến đến triển khai mở rộng. 

    22 tháng 12

    Thống đốc NHNN ra Quyết định số 603/NH-QĐ về việc thành lập các chi nhánh của NHNo ở các tỉnh, thành phố gồm 3 Sở Giao dịch (Sở Giao dịch I tại Hà Nội, Sở Giao dịch II tại thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch  III tại Đà Nẵng), 43 chi nhánh tại tỉnh, thành phố, và 475 chi nhánh quận, huyện, thị xã.

    Cuối năm 1992

    NHNo Việt Nam thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Điều lệ NHNo Việt Nam ban hành theo Quyết định số 250/QĐ-NH5 ngày 11/11/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

  • 1991

    Đầu năm 1991

    Hội nghị Ban điều hành Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp Nông thôn  khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APRACA) tại Bắc Kinh đã công nhận NHNo Việt Nam là hội viên.

    18 tháng 1

    Tổng Giám đốc NHNo Việt Nam đã ban hành văn bản số 45/KH-NHNo về Hướng dẫn lập và quản lý kế hoạch kinh doanh trong hệ thống NHNNVN; Văn bản số 53/NHNg về “Biện pháp cho vay ngắn hạn, trung hạn đối với hộ nông dân”.

    1 tháng 3

    Văn phòng Đại diện NHNo Việt Nam ở miền Nam được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 18/NH-QĐ của Thống đốc NHNN, và Văn phòng Đại diện NHNo Việt Nam ở miền Trung  được thành lập tại thành phố Quy Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định) theo văn bản số 439/CV-TCCB của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

    23 tháng 7

    Tổng Giám đốc NHNo Việt Nam đã ban hành văn bản 499/NHNo về việc cho vay hộ nông dân.

    1 tháng 9

    NHNo Việt Nam ban hành Văn bản số 946/NHNo về chế độ khoán tài chính.

    Tháng 10

    NHNo Việt Nam chính thức gia nhập APRACA

  • 1990

    24 tháng 5 

    Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố Sắc lệnh số 37-NTC/HĐNN ban hành Pháp lệnh Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Sắc lệnh số 38-NCT/HĐNN ban hành Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, nhằm tổ chức lại và đưa hệ thống Ngân hàng vào hoạt động phù hợp với yêu cầu của sản xuất hàng hóa, bảo đảm phát triển nền tiền tệ một cách an toàn, điều hòa việc sử dụng tiền tệ có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển năng động, trật tự.

    14 tháng 11

    Quyết định số 400/CTcủa  Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc Thành lập Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đã đổi tên Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

    Tháng 12

    Chính phủ Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EC) đã ký Hiệp định về dự án Tài trợ của EC “Chương trình hồi hương và tái hòa nhập” bao gồm 6 Chương trình: Y tế, Đào tạo (nghề nghiệp), Doanh nghiệp nhỏ, Dự án, Thông tin tuyên truyền, Tín dụng, trong đó Tín dụng là chương trình quan trọng với số vốn nhiều nhất. Sau khi khảo sát nhiều ngân hàng thương mại, EC quyết định chọn NHNNVN là ngân hàng đầu tiên thực hiện dự án.

  • 1989

    1 tháng 5

    NHNN đã ra quyết định thành lập Chi nhánh Ngân hàng phục vụ lương thực tại thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thanh Châu làm Giám đốc chi nhánh.

    Từ giữa năm 1989

    NHPTNo Việt Nam thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số chi nhánh của ở các tỉnh như Hà Bắc, An Giang, Cửu Long, Long An và huyện Bình Chánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc thí điểm đạt kết quả tốt, ngân hàng thu được cả gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn, nông dân rất phấn khởi. 

  • 1988

    26 tháng 3

    Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam ra đời theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/07/1988 trên phạm vi cả nước. 

    6 tháng 10

    Tổng Giám đốc (nay là Thống đốc) NHNN đã ra Quyết định số 104/NH-QĐ cho phép Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam (NHPTNo) thành lập chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Giám đốc chi nhánh là ông Lê Chí Thành (Phó Tổng Giám đốc thứ nhất NHPTNo) kiêm nhiệm. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động theo nguyên tắc hạch toán độc lập, tự huy động, tự cho vay để phát triển sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
     

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiSđt tiếp nhận: 1900558818/024.3205.3205 để nhận được hỗ trợ
Sđt gọi ra: 024.2233.2345/037.353.2345/037.348.2345/037.346.2345
Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi