Sửa gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, kích cầu vay mua nhà

24/07/2024

Chia sẻ tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sau 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm, từ tháng 3/2024, tín dụng tăng trưởng cải thiện. Đặc biệt từ tháng 5,6 xu hướng tăng tín dụng khá tích cực. Đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6%

Vốn ngân hàng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng nhanh trong tháng 6/2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tín dụng tăng phản ánh khách quan thực tế. Vào đầu năm kinh tế chưa thực sự khởi sắc nhưng đến gần đây mọi chuyện đã sáng sủa hơn rất nhiều, cầu đầu tư tăng sẽ kéo theo cầu tín dụng.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng đã rất quyết liệt để đẩy vốn ra nền kinh tế

Theo Phó thống đốc NHNN, việc đẩy mạnh tín dụng phải đến từ hai phía. Đầu tiên phải có những chính sách tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn chẳng hạn như yếu tố pháp lý, làm sao cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, sản xuất kinh doanh. Thứ hai là về vốn, vốn đến từ nhiều nguồn, vốn tự có của doanh nghiệp, từ thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu, và từ vay ngân hàng. Những nguồn này phải được đẩy mạnh đồng bộ. Riêng ngành ngân hàng, thời gian qua đã rất quyết liệt để đẩy vốn ra nền kinh tế. Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. NHNN liên tục có các văn bản chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024. Với các giải pháp đồng bộ của ngành Ngân hàng, đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023,

Thông tin thêm về cơ cấu tín dụng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang chia sẻ tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%... Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, chiếm tỷ trọng 39-40% tổng tín dụng bất động sản; Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%. Như vậy, cầu vay mua nhà đã thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm song vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang chia sẻ, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế
và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Tăng thêm ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội, đẩy nhanh gói tín dụng 120 nghìn tỷ

Riêng đối với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng tính đến thời điểm này, gói tín dụng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất. Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, Agribank rất tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Agribank đã phê duyệt cho vay 11 dự án với số tiền là hơn 3.000 tỷ đồng và giải ngân được hơn 600 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 11 dự án với tổng nhu cầu vay khoảng 5.000 tỷ đồng.

Mặc dù rất nỗ lực, lãi suất cho vay chương trình ở mức rất thấp, ngân hàng cho vay lãi suất cho vay gần như không có lãi ở lĩnh vực này, nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng trên vẫn còn thấp. Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết do nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội. Tính đến nay, chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục. Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được công bố, nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn hoặc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý như giải phóng mặt bằng và khởi công, dẫn đến không đủ điều kiện vay vốn.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết Agribank rất tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đã được phân tích mổ xẻ tại nhiều diễn đàn như yếu tố pháp lý, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp… Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN hàng ngày, hàng giờ theo dõi, đánh giá về tình hình triển khai làm thế nào để tạo điều kiện cho các NHTM giải ngân tốt nhất.

Bám sát chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cùng với sự cố gắng làm sao hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng. Trong đó, NHNN đang trình Chính phủ tăng cường ưu đãi cho chương trình này. Cụ thể, đề xuất giảm 3%/năm so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại; thời gian điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm. Mức lãi suất trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó nhưng sẽ thấp hơn từ 1-2%/năm so với cho vay thông thường để tạo điều kiện, giúp người mua yên tâm để vay vốn. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư được giữ nguyên như hiện tại. “Nếu Chính phủ chấp thuận thì NHNN sẽ triển khai chính sách ưu đãi này cùng với Bộ Xây dựng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm.

NHNN tạo điều kiện và khuyến khích các NHTM bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Bên cạnh đề xuất cơ chế cởi mở hơn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài 4 NHTM Nhà nước đang tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, còn 4 NHTMCP khác cũng muốn tham gia gói này với quy mô vốn là 5 nghìn tỷ đồng/ ngân hàng. Như vậy có thể sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng nâng quy mô gói cho vay ưu đãi này lên 140 nghìn tỷ đồng.

Ngoài gói tín dụng trên, Phó Thống đốc cho biết, NHNN hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các NHTM bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Qua đó hỗ trợ người mua nhà, các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án của nhà ở xã hội làm sao có thời gian vay vốn, cơ cấu nguồn vốn cũng như lãi suất một cách phù hợp nhất cho đối tượng này. “NHNN rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các NHTM với những cơ chế, chính sách một cách phù hợp, hợp lý để vừa đảm bảo hài hòa được tất cả các yếu tố đặt ra trong vấn đề kiểm soát an toàn, lành mạnh cũng như tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Với tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cùng với những biện pháp và những chương trình hành động hiện nay của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú kỳ vọng từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt được mục tiêu 15% đặt ra từ đầu năm.

                                                                                                                                                   Theo Thời Báo Ngân hàng

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi