Đường chúng ta đi

30/06/2024

Nhìn lại chặng đường mà chúng ta đã đi và con đường phía trước trong hành trình đi đến Chủ nghĩa xã hội - Từ phần 1, Khởi nguồn nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: con đường chúng ta bắt đầu từ đâu và tại sao con đường đó lại là duy nhất? Đến phần 2, Vượt qua, điểm lại những khó khăn, dấu mốc đáng nhớ trên chặng đường đó, nhằm rút ra những bài học xương máu để bảo vệ con đường, lý tưởng của Đảng. Cuối cùng, phần 3, Cùng nhìn về tương lai, từ những thành tựu tự hào hiện tại, với niềm tin vào Đảng, vào lý tưởng của Chủ nghĩa xã hội, chắc chắn con đường tương lai chúng ta đang hướng đến sẽ có rất nhiều thử thách, chông gai nhưng cũng sẽ có rất nhiều vinh quang đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. 

Chúng ta đang ở thời khắc quan trọng trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội với sự hội tụ của nhiều yếu tố thuận lợi: Một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ổn định đang vươn mình mạnh mẽ; một Đảng cộng sản đứng về phía nhân dân đang chuyển mình tích cực đẩy lùi tham nhũng, thanh lọc đội ngũ; một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc; một dân tộc đoàn kết cùng hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Có thể nói, trong lịch sử, chưa bao giờ đích đến xã hội Chủ nghĩa của chúng ta lại gần đến như vậy. Nhìn lại chặng đường đã đi với biết bao sóng gió, mỗi lần quốc ca vang lên, lòng ta lại gợn lên cảm xúc vô bờ:

“… Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Chúng ta tự hào được tiếp bước con đường mà cha ông ta đã đi, con đường mà biết bao anh hùng đã ngã xuống. Chúng ta biết ơn C.Mác và Ph.Ăngghen đã tìm ra chân lý giải phóng giai cấp lao động bị áp bức, biết ơn nhà cách mạng Lê Nin đã tạo nên những điều vĩ đại cho giai cấp công nhân, lao động, đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hi sinh cho dân tộc Việt Nam… Để rồi hôm nay chúng ta được may mắn sống trong hoà bình, trong niềm hạnh phúc vô bờ từ những cống hiến mà thế hệ đi trước mang lại, từ con đường, lý tưởng mà Đảng ta lựa chọn để lãnh đạo quần chúng nhân dân.

Phần 1- Khởi nguồn (Tìm ra con đường): Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của chúng ta bắt đầu từ đâu? Tại sao đó lại là con đường duy nhất? 

Nếu như chúng ta biết đến Charles Darwin là người khám phá ra thuyết tiến hóa với nhiều bằng chứng thuyết phục trong tác phẩm Nguồn gốc các loài, thì C.Mác là người tiên phong phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng, đó là quy luật đấu tranh giai cấp. Ông chỉ ra rằng để thoát khỏi áp bức, bóc lột và tha hóa, thì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất, bền vững mang lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để đi lên xã hội chủ nghĩa, thì mỗi quốc gia khác nhau lại có phương thức, con đường khác nhau để tiến tới mục tiêu đó.
Đặt trong bối cảnh kinh tế, đặc điểm xã hội trước khi Đảng ra đời, lúc này Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đang đặt ra hai nhiệm vụ chính: Một là phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Hai là, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân. 

Trước khi Đảng được thành lập, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả, do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. 

Thời khắc tháng 7-1920, người con yêu nước Nguyễn Ái Quốc được tiếp cận tư tưởng của Mác- Lê Nin là thời khắc lịch sử trên con đường cách mạng của Việt Nam. 

Trong bài thơ "Đi tìm hình của nước”- Chế Lan Viên đã viết:

“…Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin…"

Sau bao năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, nước mắt người đã rơi khi được đọc, được tiếp cận tư tưởng của Mác- Lê Nin . Lý tưởng là đây, chân lý là đây! Giọt nước mắt của người là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, người khám phá ra chân lý cho dân tộc Việt Nam: “Độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Con đường vì nhân dân lao động, nhân dân làm chủ, con đường vì một xã hội công bằng văn minh. Nếu không là con đường đó thì còn con đường nào khác?

Bởi, nếu không là Chủ nghĩa xã hội thì giành được độc lập dân tộc chẳng những không giữ được độc lập mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Còn ý nghĩa gì nếu cách mạng thành công mà không vì quần chúng nhân dân? Nếu giành độc lập dân tộc mà đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa chẳng khác nào thay xiềng xích của các nước đế quốc bằng chính xiềng xích bởi những người cùng một dân tộc đặt lên người dân lao động bần cùng khổ đau. Còn đâu ước mơ, nguyện vọng, ý chí sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam?

Ngày nay, nhìn lại tiến trình lịch sử và hiện tại ở các nước trên thế giới, chúng ta thấy một châu Phi với nhiều quốc gia khổ đau, bạo động. Đó là sự đối kháng của thời kỳ chủ nghĩa thực dân mới, sự tước đoạt các giá trị độc lập dưới cái vỏ bọc giả dối của giai cấp tư bản cùng những thất bại trong cải cách các nền chính trị đã làm bùng phát các xung đột và căng thẳng leo thang. Sự viện trợ, giúp đỡ cũng như can thiệp chỉ là vỏ bọc chiêu trò của các nước lớn nhằm khai thác nguồn tài nguyên, bóc lột sức lao động người dân nơi đây.

Chúng ta thấy được một châu Mỹ La Tinh với nhiều bất ổn lệ thuộc phần lớn vào Mỹ sau nhiều năm thực hiện mô hình tự do mới về kinh tế. Đói nghèo và thất nghiệp đã kéo theo tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, văn hoá mất dần bản sắc dân tộc và lối sống thực dụng kiểu Mỹ ngày càng lan rộng. Tất cả những diễn biến này đã dẫn đến bùng nổ xã hội và khủng hoảng chính trị triền miên và đặt các nước ở khu vực Mỹ La-tinh trước bờ vực của sự sụp đổ.

Nhìn lại tiến trình lịch sử, chúng ta càng thấy mình may mắn khi được Đảng lãnh đạo, sự ra đời của Đảng vào ngày 03/02/1930 là một bước ngoặt lịch sử, trọng đại của dân tộc, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt bao năm của cách mạng Việt Nam. Từ đây, con đường cách mạng Việt Nam có ánh sáng của lý tưởng Mác - Lê Nin dẫn lối, được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo mang màu sắc riêng phù hợp với dân tộc ta.

Phần 2 - Vượt qua (Đường ta đã đi): cùng tìm hiểu Con đường chúng ta đã đi chông gai như thế nào? Những dấu mốc đáng nhớ? Bài học rút ra là gì?

Việc tìm ra con đường và hành trình trên con đường đó thì việc nào khó hơn? Bác đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin dẫn lối để cách mạng Việt Nam bước đi, nhưng khó khăn mới chỉ bắt đầu. Từ đây, con đường chúng ta có biết bao gập ghềnh chông gai đang chờ đợi phía trước. Qua hình ảnh lá cờ Tổ quốc, chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường mà Đảng ta, Đất nước ta, Dân tộc ta đã đi qua với những mốc son chói lọi, tự hào in trên bóng hình linh thiêng lá cờ đỏ sao vàng, qua bốn dấu mốc lịch sử:

Thứ nhất, đó là hình ảnh ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945. Dưới chân ngọn cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, dấu mốc vinh quang sau khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng, giành chính quyền – đánh dấu kết thúc giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 từ khi Đảng thành lập.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách; cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong lịch sử phát triển của Đảng khi chúng ta nhìn lại, có thể nói, chưa bao giờ Đảng ta vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" đến như vậy. Tuy nhiên, cũng chính lúc này, sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh của lý tưởng, của khát khao bảo vệ độc lộc tự do hơn bao giờ hết. Vượt mọi hiểm nguy, Đảng đã kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ Cát làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Thứ hai, đó là lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” (ảnh của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại) của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bình ở miền Bắc, mở ra giai đoạn cách mạng mới - kết thúc giai đoạn toàn quốc kháng chiến từ năm 1946 đến năm 1954. Đây là không chỉ là chiến thắng của riêng quân đội, mà là chiến thắng của toàn bộ dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, đó là hình ảnh người chiến sĩ Bùi Quang Thận dũng cảm cắm lá cờ đầu tiên trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Kết thúc giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (từ năm 1955 đến năm 1975). Thắng lợi đó mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, và đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới. Thắng lợi đó thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta.

Thứ tư, là hình ảnh cờ đỏ sao vàng bên cạnh biểu tượng búa liềm trong đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Đảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, Tổ quốc. Đại hội với phương châm nhìn thẳng vào sự thật đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc áp dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong bối cảnh Việt Nam.

Kể từ sau cải cách đến nay, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với tri thức phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đảm bảo an ninh quốc gia, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhìn lại chặng đường chúng ta đã qua trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chúng ta nhận thấy rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Trong quá trình phát triển, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất của chúng ta chưa phát triển, trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá, thường xuyên bị các thế lực thù địch chống phá, vì lẽ đó, chúng ta nhất thiết cần trải qua thời kỳ quá độ lâu dài. Thời kỳ mà có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, của những vinh quang nhưng cũng dễ ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta cần chắt lọc, kế thừa những thành tựu văn minh của nhân loại, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để áp dụng sáng tạo vào con đường của Việt Nam. Một trong những sáng tạo đó là phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế; khuyến khích phát triển đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta rút ra cho mình một trong những bài học xương máu đó là: Phải thường xuyên bảo vệ tư tưởng của Đảng, nhận thức ra la bàn, kim chỉ nam cho hành động của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và phải đảm bảo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới vì sự tiến bộ xã hội; là kim chỉ nam trong nhận thức và lý luận của hệ tư tưởng giai cấp công nhân. Tuy nhiên, trong quá trình vận động, phát triển, có một số luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ không còn phù hợp, cần phải bổ sung, phát triển và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là việc làm bình thường, tự nhiên và cần thiết dựa trên những nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta có lý tưởng, có phương pháp luận tiến bộ thế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thực hành cứng nhắc, bảo thủ và gạt bỏ hết những khía cạnh khác. Vì vậy, tích cực tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm bổ sung chắt lọc, trên cơ sở kim chỉ nam là học thuyết chủ nghĩa Mác- Lênin là việc chúng ta cần thường xuyên thực hiện để phù hợp với Đảng ta, dân tộc ta trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy được sức mạnh to lớn của tập thể, vai trò của quần chúng nhân dân, của đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Như trong Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc: Thứ nhất, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…; Thứ hai, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Phần 3 - Nhìn về tương lai (Con đường chúng ta hướng đến): Những thành tựu và tương lai chúng ta hướng đến!

Việt Nam, từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. 

Nhìn lại gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chúng ta thấy được khá rõ nét những yếu tố tích cực về đất nước ta trong thời gian qua:

Thứ nhất, một hình ảnh một Việt Nam năng động, với cơ đồ, tiềm lực, tầm vóc và uy tín mới trên bản đồ thế giới.

Thời gian qua, khi kinh tế thế giới ngày càng biến động, rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, thì chúng ta càng cho thế giới thấy được tính tự cường, ổn định của nền kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi nhiều quốc gia đang rơi vào tình trạng nợ nghiêm trọng hoặc có rất ít dư địa tài chính. Dưới sự dẫn dắt, đường lối của Đảng, chúng ta thấy được tầm nhìn dài hạn, giúp nền kinh tế kiên cường trước những cú sốc trong một thế giới khủng hoảng liên tiếp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trên con đường đúng đắn để tận dụng việc tái cơ cấu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, định vị mình ở điểm tốt hơn, đi lên các bậc thang cao hơn của công nghệ và giá trị gia tăng.

Kết quả đó, thể hiện đường lối về đối ngoại hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Thứ hai, một Việt Nam đoàn kết, với tinh thần tương thân tương ái cũng là nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc: “Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ Nhân dân Việt Nam đoàn kết”. Chân lý đó đúng mọi lúc, mọi nơi với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Sự nghiệp đổi mới của nước ta hôm nay muốn thành công phải dựa vào sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.

Năm 2019, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta thấy được sức tàn phá của nó với thế giới và cũng thấy được sự khéo léo khi Đảng, Chính phủ chèo lái con thuyền đất nước vượt qua chông gai như thế nào khi nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Trong bất kỳ khủng hoảng hay hiểm họa nào xảy ra, thì các nước nghèo, nước kém phát triển bị tác động nặng nề nhất. Nhưng khi hiểm họa Covid-19 xảy ra, với cái cách chúng ta đã vượt qua, ta cảm thấy tự hào khi có Đảng. Đảng đứng về phía nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid, lãnh đạo của Đảng, điều hành linh hoạt của Nhà nước, Chính phủ, sự chung tay, góp sức, đồng lòng, đoàn kết của dân tộc đã giúp đất nước vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Thứ ba, Đảng quyết liệt thanh lọc, kiểm điểm, chống tham nhũng

Nhìn lại sau 10 năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng tầm, mục tiêu được thực hiện khá thành công trong thời gian qua. Công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những kết quả to lớn, vạch trần được nhiều vụ việc lớn, kỷ luật và xử lý hình sự đối với nhiều cá nhân thoái hóa biến chất. Với phương châm “không có vùng cấm”, không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý. Trong thời gian tới, Đại hội XIV của Đảng sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, quyết tâm thanh lọc, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Cùng với đó là vai trò to lớn của Nhân dân, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của Nhân dân, không có gì mà Nhân dân không biết và do đó, không có gì qua mắt được Nhân dân. Cho nên, thời gian qua, Đảng nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cũng chính là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Trên cơ sở một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, tầm vóc và uy tín mới trên bản đồ thế giới, chúng ta có sức mạnh đoàn kết dân tộc, có sự dẫn dắt, lý tưởng của Đảng với quyết tâm chống tham nhũng, thanh lọc Đảng viên, có một Chính phủ chuyển mình năng động… chúng ta có niềm tin vững chắc vào tương lai, niềm tin vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, hướng tới kỷ niệm 100 năm Đảng ra đời (vào năm 2030) xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Nhìn lại chiều dài lịch sử hàng nghìn năm trên con đường dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đi qua biết bao khó khăn và thử thách, viết lên biết bao trang sử hào hùng chói lọi. Kể từ khi có Đảng ra đời, Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước… chưa bao giờ chúng ta cảm thấy hạnh phúc, tự hào và có niềm tin mãnh liệt về con đường tương lai đi lên Chủ nghĩa xã hội tươi sáng đến như thế. Chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc và tự hào đến bao nhiêu thì chúng ta càng cần phải biết ơn, giữ gìn, trân trọng những đau thương mất mát của những thế hệ đi trước bấy nhiêu. Mỗi Đảng viên chúng ta cần nhận thức rõ nhiệm vụ, bổn phận cũng như trách nhiệm của bản thân với nhân dân, đất nước trên hành trình còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Hôm nay, chúng ta may mắn được sống trong thời bình, trong đầy đủ, ấm no, hạnh phúc nhưng chúng ta không được ngủ quên trong chiến thắng. Trên con đường phía trước, chúng ta, mỗi Đảng viên hãy nhớ rằng:

Sóng, có nhiều con sóng khác nhau. Có con sóng dài, sóng ngắn, sóng mạnh mẽ, sóng êm dịu, sóng ở sông, ở hồ, ở đại dương bao la…nhưng bản chất cuối cùng của sóng chính là nước. 

Đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi Đảng viên có những điểm khác nhau. Có người trẻ tuổi, có người lâu năm, có Đảng viên chức cao, có Đảng viên mang trọng trách lớn… nhưng sau cùng, bản chất cuối cùng của một người Đảng viên chân chính đó là hết mình phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước!

Trần Mạnh Đạt - Agribank CN huyện Ninh Giang Hải Dương

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi