Đảng bộ Agribank quyết tâm đi đầu trong chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững (ESG)

15/08/2024

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều ngân hàng triển khai các dịch vụ ngân hàng số và phần lớn các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay đều có chiến lược số hóa và định hướng phát triển ngân hàng số, coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn đến sự phát triển của mình. Thực tế cho thấy, ngành ngân hàng là một trong những ngành khởi đầu sớm nhất trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động của mình, qua đó đã tạo ra rất nhiều thay đổi ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua. Chuyển đổi số là một trong những bước đi quan trọng và quyết định, những xu hướng công nghệ tiêu biểu được dự đoán mang đến tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành ngân hàng có thể kể đến như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi (Blockchain), Software as a Service (SaaS), thanh toán di động, ngân hàng mở (API),…

Chuyển đổi số là bắt buộc 

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0, Đảng bộ Agribank đã không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện để mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong việc thực hiện chuyển đổi số, không ngừng học tập, trau dồi tri thức, gia tăng khả năng kết nối, truyền tải, sử dụng và áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng. Bám sát, quán triệt các nội dung chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về thực hiện phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đặc biệt là từ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngay từ đầu Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng ủy Agribank đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐU-NHNo về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại” với quyết tâm đẩy nhanh áp dụng các phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của Agribank. Đồng thời, ban hành một loạt các kế hoạch, đề án để cụ thể hóa Nghị quyết số 01 như Kế hoạch hành động của Agribank, Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số tại Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... 

Kể từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Agribank đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu, ưu tiên đầu tư các Dự án công nghệ nhằm tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống công nghệ thông tin luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới... Đặc biệt, tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024” do Ngân hàng Nhà nước chủ trì với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính được tổ chức tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong thế giới đầy biến động hiện nay. Tại sự kiện này, Agribank đã giới thiệu 6 sản phẩm tương ứng với 6 giải pháp ngân hàng số: Giao dịch rút tiền bằng CCCD gắn chip; Rút tiền bằng QR Code trên máy ATM không cần thẻ; Dịch vụ ngân hàng số đa kênh dành cho khách hàng doanh nghiệp Agribank Corporate Ebanking; Trục thanh toán Agribank Payment Hub tiên tiến; Dịch vụ OPEN API và Hệ thống thu thập, quản lý xác thực và làm sạch dữ liệu khách hàng tại quầy giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính chính xác của các giao dịch. Ngoài ra, Agribank tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc ứng dụng cơ sở Dữ liệu Dân cư quốc gia vào hoạt động ngân hàng. Hiện tại, hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của Agribank đã cung cấp cho khách hàng đầy đủ các tiện ích như mở tài khoản, đăng ký các dịch vụ ngân hàng số/ngân hàng điện tử, đăng ký thông tin vay vốn hay đặt lịch hẹn trực tuyến,... một cách nhanh chóng, hiệu quả mà không phải lo lắng về các rủi ro về giả mạo/chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản và các hành vi phạm pháp khác trên không gian số. Ngoài ra, Agribank đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Fintech để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán,… qua đó cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán hàng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền,..) từ điện thoại, máy tính có kết nối Internet mà không cần đến phòng giao dịch ngân hàng…

Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số bộ, ngành tham quan gian hàng Agribank tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Đặc biệt, Trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, Agribank đã chủ động triển khai đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng cho khách hàng theo Quyết định 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của Ngân hàng Nhà nước như: SMS OTP; Soft OTP; Token OTP, sinh trắc học bằng khuôn mặt; bên cạnh đó, các yêu cầu đăng ký tài khoản trên các thiết bị, hệ thống của Agribank bắt buộc phải thực hiện eKYC và xác thực bước 2 – KYC trực tiếp tại quầy để thực hiện các giao dịch có giá trị lớn; trong quá trình eKYC và KYC khách hàng phải cung cấp đầy đủ hồ sơ nhận diện theo quy định của pháp luật; bắt buộc phải đúng user, mật khẩu khi đăng nhập sử dụng các hệ thống của Agribank. Triển khai đăng ký, cập nhật và định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) cho khách hàng tại Agribank Digital.

Tiếp tục đẩy mạnh Chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững (ESG)

Quán triệt sâu sắc Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; đồng thời bám sát Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đảng bộ Agribank đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phấn đấu là một trong những ngân hàng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững (ESG) để trở thành ngân hàng hiện đại và hội nhập.

Ngày 27/6/2024, Đảng ủy Agribank đã ban hành Công văn số 3499-CV/ĐU-NHNo, trong đó chỉ đạo tập trung nghiên cứu, nâng cao năng lực dự báo về công nghệ, tăng cường hợp tác với các Fintech, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học, điện toán đám mây (Cloud), ngân hàng mở (API), công nghệ chuỗi (Blockchain),…trong hoạt động ngân hàng, nhất là xử lý tự động giao dịch, dự báo và quản lý rủi ro, bảo mật hệ thống, giám sát, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, quản lý dữ liệu và phát triển sản phẩm dịch vụ theo xu hướng cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Đầu tư phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ cho phép tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động, tăng cường hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, sử dụng Chatbox, LiveBank,…Đồng thời, nghiên cứu cải tiến, bổ sung, ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực; chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ thông tin,…

Đảng bộ Agribank cũng đã nhìn nhận rõ những thách thức để đưa ra giải pháp, nắm bắt cơ hội, hướng tới thực hiện thành công chuyển đổi số. Là ngân hàng thực hiện nhiệm vụ chính trị, chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, người bạn đồng hành của hàng chục triệu khách hàng là người dân, doanh nghiệp, là bà con “tam nông” khắp mọi vùng miền trên cả nước. Với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phải xác định phát triển đồng bộ, vừa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, đa dạng hoá dịch vụ, vừa tối ưu hoá các dịch vụ tại quầy để phục vụ tốt cho nhóm khách hàng truyền thống ở các vùng nông thôn, miền núi, thậm chí là hải đảo xa xôi, phấn đấu hướng tới mục tiêu kép: vừa là ngân hàng số hàng đầu, hiện đại, vừa là một điểm tựa vững chắc, thương hiệu gần gũi với bà con nông dân, để phục vụ tốt cả khách hàng công nghệ cũng như khách hàng truyền thống trên khắp cả nước. Trong chiến lược số hóa nông thôn, Agribank đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, giúp người dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất. Hiện thực hóa mục tiêu này, Agribank triển khai lắp đặt theo lộ trình máy giao dịch ngân hàng tự động Agribank Digital với công nghệ hiện đại, tân tiến nhất nhất hiện nay tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông thường để người dân có thể sử dụng tiện ích ngân hàng số cho các hoạt động dịch vụ công cũng như giao dịch thường nhật an toàn và bảo mật cao.

Agribank Digital cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng hoàn toàn tự động 24/7, nhanh chóng, an toàn và bảo mật

Để gắn chuyển đổi số với phát triển bền vững, nhiều năm qua, Đảng bộ Agribank luôn tập trung chỉ đạo tiên phong, chủ động thực hiện các hoạt động tài chính xanh, ưu tiên cung ứng vốn cho những dự án xanh; nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… Đặc biệt, từng bước nghiên cứu triển khai áp dụng đồng bộ các tiêu chí ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu, hiểu rõ rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng, Agribank nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp từ quản trị đến hoạt động nhằm thực hiện cam kết về xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Bà con vùng sâu vùng xa dễ dàng sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của Agribank

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, và hướng tới Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Agribank nhiệm kỳ 2025 -2030, Đảng bộ Agribank xác định tiếp tục có chiến lược cụ thể và kế hoạch thực hiện lộ trình phù hợp với điều kiện, và năng lực; triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, tập trung phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao theo hướng mô hình kinh doanh đa dịch vụ, định hướng phát triển ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Phấn đấu mang tiện ích số, ngân hàng số tới mọi khách hàng ở khu vực thành thị cũng như tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”. 

Nguyễn Phương Anh – Ban Tuyên giáo Đảng ủy
 

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi