Agribank liên tiếp ngăn chặn tội phạm lừa đảo công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của khách hàng

13/08/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, cán bộ, giao dịch viên Agribank đã ngăn chặn hàng trăm vụ việc tội phạm lừa đảo công nghệ cao, hỗ trợ bảo vệ hơn 12 tỷ đồng tài sản của khách hàng.

Cảnh giác trước chiêu trò "thao túng tâm lý"

Mặc dù cơ quan chức năng cùng báo chí truyền thông liên tục cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vẫn chủ yếu là giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội đe dọa người dân có liên quan đến vụ án ma túy, bắt cóc trẻ em, rửa tiền hoặc thông báo thuê bao di động của bị hại liên quan đến việc các đối tượng lợi dụng để đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và sẽ bị cắt thuê bao... Khi bị hại lo sợ, đối tượng sẽ yêu cầu phải hợp tác với cơ quan chức năng để chứng minh tiền trong sạch, không liên quan đến tội phạm bằng cách đi đến ngân hàng đăng ký tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử, cung cấp các thông tin đăng nhập, mã OTP cho đối tượng, rút sổ tiết kiệm, vay tiền gửi vào tài khoản mới mở. Khi bị hại gửi hết tiền vào tài khoản mới mở mang tên mình, đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng và chuyển hết tiền đến các tài khoản khác của chúng để chiếm đoạt.

Đầu tháng 8 vừa qua, các chi nhánh Agribank tại thành phố Hải Phòng đã ngăn chặn thành công 03 vụ lừa đảo, tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Theo đó, các khách hàng này đã đến các điểm giao dịch của Agribank để yêu cầu chuyển tiền với những biểu hiện lo lắng, bất an, đồng thời, đều nhận được cuộc gọi qua ứng dụng zalo hối thúc chuyển tiền. Trước đó, vào chiều 1/8, bà L, có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Lại đến Phòng giao dịch Cao Xá – Agribank Chi nhánh huyện Lâm Thao làm thủ tục rút số tiền 190 triệu đồng gửi tiết kiệm. Trong quá trình giao dịch, bà L. cũng có những biểu hiện lo lắng, vội vàng. Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, giao dịch viên đã báo cáo Ban Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Thao, sau đó phối hợp cán bộ Công an có mặt kịp thời và trấn an, tuyên truyền, giải thích cho khách hàng hiểu ra sự việc, bảo toàn được toàn bộ số tiền nói trên. Các khách hàng thông tin, họ bị các đối tượng lừa đảo giả danh công an, thông báo đang điều tra đường dây tội phạm. Các đối tượng lừa đảo uy hiếp, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra. 

Cơ quan Công an và Agribank Lâm Thao vận động, thuyết phục bà L trình báo sự việc về đối tượng giả danh, lừa đảo

Nhìn chung các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, có thể thấy, các nạn nhân đều bị đối tượng mạo danh cơ quan chức năng với chiêu trò thao túng tâm lý. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng đối tượng sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, lợi dụng sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, tác động tâm của bị hại để phạm tội. Đơn cử như trường hợp tại Thanh Hóa đầu tháng 7 năm nay, nắm bắt được tâm lý hoảng loạn của nạn nhân khi thực hiện các giao dịch chuyển, rút tiền, đối tượng lừa đảo dặn dò nạn nhân đến Ngân hàng giao dịch xưng là mẹ con qua điện thoại, không được rụt rè để không bị nghi ngờ. Và với nhiều cách rào trước đón sau như vậy, đối tượng đã suýt bẫy được khách hàng để chiếm đoạt gần 600 triệu đồng. 

Theo cơ quan Công an, đây là hình thức lừa đảo không mới, nhưng phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường nhắm vào những cán bộ hưu trí có tiền tích lũy, người kinh doanh buôn bán, người trung tuổi có con cái lớn, trưởng thành hoặc đi làm ăn xa... Đặc biệt là nhiều cụ bà, cụ ông lớn tuổi do chủ quan, ít cập nhật thông tin cảnh báo lừa đảo đã sập bẫy của các đối tượng. Vừa mới đây, Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) và Agribank chi nhánh huyện Tân Yên kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền trong sổ tiết kiệm của cụ ông 86 tuổi. Có thể thấy, đối tượng lừa đảo thường thao túng tâm lý, đe dọa, ép buộc người dân từ trung tuổi trở lên, dễ bị cảm xúc chi phí.  

Một hình thức lừa đảo phổ biến khác chính là hình thức kết bạn làm quen trên Facebook và gửi quà từ nước ngoài về, lừa đảo người ở Việt Nam chuyển tiền để thanh toán hải quan. Tính từ đầu năm đến nay, Agribank đã ngăn chặn được gần 40 vụ với số tiền gần 1 tỷ đồng. Các vụ việc xảy ra tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kan, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và ngày càng biến tướng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi sự bùng nổ của công nghệ, thủ đoạn lừa đảo không ngừng được "nâng cấp" biến hóa tinh vi hơn để vượt qua vòng "tâm lý” thực hiện trót lọt phi vụ lừa đảo "rút ruột" ví tiền của khách hàng. Tuy nhiên, với những hình thức này, khi khách hàng ra quầy để thực hiện chuyển tiền, đều may mắn được cán bộ Agribank nhanh nhạy phát hiện, và ngăn cản kịp thời, tránh “tiền mất tật mang”. Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong hàng trăm vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cán bộ, giao dịch viên Agribank trong toàn hệ thống phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Tăng cường “hàng rào” bảo mật và nâng cao kĩ năng cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng

Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lũy kế đến tháng 6/2024, đơn vị này đã ngăn chặn 3.170 website lừa đảo trực tuyến, tương ứng với việc bảo vệ gần 11 triệu người dân khỏi các website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Theo các chuyên gia, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển và có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, các ngân hàng và người dùng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm. Điều này bắt buộc các tổ chức tín dụng phải lên kế hoạch ứng phó, thậm chí phải đi trước một bước.

Sáu hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là điểm nóng tại Việt Nam

Để ngăn chặn dòng tiền lừa đảo luân chuyển qua các tài khoản không chính chủ, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu thực hiện xác thực sinh trắc học với những giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng số tiền hơn 20 triệu đồng một ngày. Đồng thời có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng dùng ảnh chụp hay video giả mạo khuôn mặt (deepfake) để qua mặt ngân hàng khi chuyển tiền. Đây được xem là bước đi mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với toàn ngành ngân hàng, Agribank tích cực lập “hàng rào số”, chủ động cập nhật, triển khai những giải pháp bảo mật tiên tiến để ứng phó kịp thời các chiêu lừa đảo mới của tội phạm. Agribank xác định công tác bảo đảm an toàn cho tài sản khách hàng và phòng chống tội phạm công nghệ cao là nội dung ưu tiên cần chú trọng trong mọi hoạt động. Agribank liên tục đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo đến khách hàng nhằm nâng cao nhận thức của chính khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, các trang mạng xã hội chính thức của Agribank và tại hơn 2000 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. 

Cùng với đó, Bảo hiểm Agribank đã triển khai sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tài khoản với tiêu chí sản phẩm có phạm vi bảo hiểm rộng hơn, bao trùm nhiều loại rủi ro hơn các sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường. Lợi ích của bảo an tài khoản là bảo vệ giao dịch thanh toán qua Internet khi khách hàng có tài khoản bị lừa đảo bởi các hành vi như: Bị kẻ mạo danh cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng, tổng đài… gọi đến yêu cầu chuyển khoản đến số tài khoản giả mạo; người dùng đăng nhập vào các trang web giả mạo và bị lộ thông tin; bị tấn công bởi các phần mềm độc hại, virus… Ngoài ra, Bảo hiểm Agribank còn bồi thường cho người được bảo hiểm các chi phí và thu nhập bị thiệt hại nếu trở thành nạn nhân của trộm cắp danh tính trực tuyến như: Chi phí thủ tục hồ sơ và công chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chi phí bưu chính, thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ việc để khôi phục danh tính, phí đơn xin vay khi đăng ký lại các khoản vay do bị ảnh hưởng bởi việc mất cắp danh tính, chi phí mở lại thẻ tín dụng…

Sản phẩm Bảo an tài khoản từ Bảo hiểm Agribank (ABIC) giúp khách hàng an tâm giao dịch

Tuy nhiên, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo công nghệ cao, Agribank xác định tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tới khách hàng trên nền tảng đa kênh, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân, đặc biệt người dân khu vực nông thôn. Việc nâng cao nhận thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng là rất quan trọng để bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cán bộ giao dịch viên Agribank luôn cẩn trọng trước những giao dịch bất thường của khách hàng, khéo léo tìm hiểu và hỗ trợ khách hàng trước những tình huống lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban lãnh đạo tại đơn vị cùng toàn thể cán bộ luôn quan tâm, quán triệt thực hiện nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền khuyến cáo người dân và rèn luyện kỹ năng tư vấn cảnh báo giúp khách hàng trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, thường xuyên tổ chức tập huấn và đã có rất nhiều khách hàng được cán bộ giúp ngăn chặn thành công các vụ lừa đảo.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, cán bộ Agribank luôn nhận thức cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ tài sản khách hàng, thường xuyên chủ động cập nhật những thông tin hình thức lừa đảo mới để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm, bảo đảm giao dịch an toàn trên nền tảng số, bảo vệ quyền lợi khách hàng và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thanh toán.

Thùy Trang

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi