Về Agribank > Văn hóa Agribank

Văn hóa Agribank

Chuyện kể trên cao nguyên đá.

Khi nghe anh Nguyễn Hoàng Long Đạo diễn Chương trình Người quê của VTV có nhã ý làm một đề tài về người cán bộ tín dụng của Agribank, không hiểu sao trong tôi hiện lên câu hát  “Ơ... sương đêm chưa tan mà người người đã ra nương, Ơ... sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường” trong bài Em đi làm tín dụng của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý… rồi trước mắt là hình ảnh  cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang hùng vĩ và lãng mạn với đất, trời, cỏ, cây, hoa, lá cùng đồng bào luôn bừng lên sức sống mãnh liệt. Nơi, Agribank như một người bạn đang đồng hành sẻ chia giúp đỡ…. Và đó là lý do không thế chối từ để chúng tôi quyết định chọn Đồng Văn để làm phóng sự “Chuyện kể trên cao nguyên đá”.


Đoàn chúng tôi khởi hành lên Đồng Văn khi tiết trời đang lập xuân. Sắc đào, mận nở trắng trời bên những hàng rào đá trầm mặc giữa cao nguyên Đồng Văn lộng gió, thoáng đâu đây ngai ngái mùi hoa cải rực vàng, nét duyên thầm của thiếu nữ Mông, Lô Lô trong những bộ váy hoa sặc sỡ sắc màu giữa phiên chợ ngày xuân; cây gạo già đỏ cả rừng biên cương; núi Đôi căng tràn sức sống với màu xanh của cỏ cây, của ngô non ngút ngàn tầm mắt
 
Tôi là người Mông, sinh ra trên cao nguyên đá..
Tiếp đoàn chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang nói; “Muốn khắc họa chân dung cán bộ ngân hàng Agribank rõ nét thì Đồng Văn đúng là mảnh đất cho các nhà báo sáng tác. Mỗi cán bộ ở đây đều có những mảnh đời riêng như khi ghép vào thì vẫn khắc họa rõ nét một bức tranh về người cán bộ tín dụng vùng cao mà tôi tin rằng các bạn có đi khắp ngân hàng khác cũng không thể tìm được những nhân vật hay như thế” Và quả thật đúng như lời anh Hải giới thiệu, chúng tôi đã gặp Vàng Mí Sùng một cán bộ tín dụng ở Agribank Đồng Văn, một con ngừoi đặc biệt đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu sắc và những câu chuyện chân thành khó quên.


 Hình ảnh Vàng Mí Sùng trong khuôn hình của Chương trình Người quê
 

“Tôi tên là Vàng Mí Sùng. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông ở thôn Lũng Hoà A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.Gia đình tôi có 06 anh em, 04 trai, 02 gái. Tôi đã có vợ và 02 con. Vợ tôi làm kế toán ở một trường học ngay trung tâm huỵện Đồng Văn.Cơ quan của tôi, Ngân hàng NN&PTNT huỵện Đồng Văn nằm ở Trung tâm của thị trấn Đồng Văn. Đây là nơi tôi gắn bó nhiều năm với rất nhiều kỷ niệm cùng bà con địa phương, những khách hàng. Cũng giống như bố mẹ tôi là những người Mông chỉ biết trông chờ vào trồng trọt và chăn nuôi trên cao nguyên đá.” Vàng Mí Sùng, cán bộ tín dụng Agribank Đồng Văn, nhân vật chính của phóng sự “ Chuyện trên cao nguyên đá” bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về cuộc đời mình bằng những lời chân thật như thế. 
 
Xuất thân trong một gia đình người Mông trên cao nguyên đá, Vàng Mí Sùng hiểu rất rõ về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. “Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, bố mẹ tôi lam lũ sớm hôm nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn. Tôi chẳng biết khi nào cuộc sống của gia đình và bà con ở đây thay đổi. Nhưng khi tôi được đi học lớp nghiệp vụ ngân hàng theo chương trình dành cho người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp lớp 12 vào làm ngân hàng Nông nghiệp, tôi đã thấy sự thay đổi trong chính nhận thức của mình. Nhà nước có rất nhiều chính sách, trong đó có chính sách về tín dụng cho bà con dân tộc vùng cao nhưng làm thế nào để sự hỗ trợ này đến tận nơi và đem lại hiệu qủa lại là trách nhiệm của những người làm công tác tín dụng”


 
 Hình ảnh Vàng Mí Sùng trở về nhà với cha mẹ  trong khuôn hình của Chương trình Người quê

Là con em dân tộc được đi học lớp sơ cấp ngân hàng theo diện con em dân tộc tuyển thẳng sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học để đào tao nghiệp vụ ngân hàng phục vụ công việc tại địa phương theo chương trình của Agribank thật sự là cơ hội lớn cho chàng thanh niên người Mông này.  Khi mới vào làm tại Ngân hàng Agribank Đồng Văn, là người dân tộc, tiếng Kinh còn rất hạn chế, khi nghe các thế hệ đi trước kể về thời điểm đầu tiên đưa chính sách tín dụng tới người dân chật vật như thế nào? Khi đó, bà con chưa biết đến như nào là tín dụng, như nào là vốn vay và vay để làm gì? Những cán bộ dụng thời đó phải cùng ăn, cùng ở, cùng nghĩ, cùng làm với người dân để chứng minh chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước sẽ làm cuộc sống của bà con tốt đẹp ra sao Sùng rất cảm phục và trân trọng họ. Anh cảm thấy trọng trách trên đôi vai mình  rất nhiều. Làm thế nào để tiếp tục giúp đỡ bà con của mình đổi thay cuộc sống ngày một no ấm hơn không phụ công các thế hện tiền nhiệm trước là điều anh luôn trăn trở.


 
 
 
 Phòng Giao dịch Agribank Đồng Văn


Niềm tin là giá trị quý nhất
Vàng Mí Sùng tâm sự, Người Mông các anh  rất khó tin nếu chưa tận mắt chứng kiến, nhưng đã tin rồi thì rất trọng chữ tín. Đặc biệt, vay vốn thì bà con không có gì thế chấp. Tài sản thế chấp giá trị nhất chính là niềm tin. Niềm tin vào thành công của các mô hình đầu tư sản xuất. Niềm tin của cán bộ dành bà con khi vay. Và niềm tin của bà con dành cho cán bộ tín dụng.” Nhưng để có niềm tin đó thì người cán bộ tín dụng phải chọn  và thuyết phục những cá nhân có tiếng nói trong cộng đồng để họ vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất mới. Thành công từ thực tế mới giúp chính sách tín dụng được lan toả tới bà con. Từ một hộ, hai hộ, rồi ba hộ vay đầu tư thành công, nhiều người biết và tiếp tục vay để sãn xuất. . Có lẽ cũng vì lý do đó mà ngày mưa cũng như nắng, ngày thời tiết xuống còn 1-2 độ với cái lạnh buốt xương của cao nguyên đá, hay ngày nóng như đổ lửa chói chang với chiếc xe máy của mình, Vàng Mí Sùng đi xuống những bản mà anh quản lý để tiếp cận với bà con, trò chuyện với họ, lắng nghe họ
 
Vàng Mí Sùng cho biết, nhận thức của một số bà con còn chưa đầy đủ về tín dụng ưu đãi, tiếng phổ thông thì không biết, trong khi các thủ tục giao dịch cho vay đều bằng tiếng phổ thông. Rồi phương án sử dụng vốn vay của bà con đôi khi họ cũng không nghĩ được. Cán bộ tín dụng như anh phải hướng dẫn, chỉ bảo và cùng họ xây dựng phương án đầu tư trên cơ sở khả năng thực tế của mỗi hộ. Khó nhất của bà con trên cao nguyên đá trong sản xuất nông nghiệp là không thể mở rộng diện tích  canh tác và chăn nuôi. Vì vậy, chỉ có cách là tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. 
 
Tuy nhiên trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất cao giá trị lớn là vấn đề lớn đặt ra không chỉ đối với mỗi người dân mà còn cả với cán bộ tín dụng. Lúc này rất cần Đảng uỷ và chính quyền địa phương quan tâm và xác định hướng đi cùng sự chỉ đạo quyết liệt để bà con dân tộc có thể thực hiện được điều này khi mà họ thiếu vốn, hạn chế về khoa học kỹ thuật và tư duy sản xuất hàng hoá.
 
 “Mỗi dự án thành công càng làm cho chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình với bà con bằng niềm tin, và tình cảm với những con người thật thà, chăm chỉ. Có trường hợp vay vốn ngân hàng đến hạn trả nhưng chưa đủ khả năng trả nợ nhưng vẫn cố gắng xoay xở để trả nợ bởi họ sợ mất niềm tin, mất danh dự vì thất hứa. Mỗi lần chứng kiến những cá nhân như vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với công việc.
 
Chia tay với chúng tôi, Vàng Mí Súng nói, hiện thực hoá chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước ở vùng cao nguyên đá, sự phát triển KTXH ở đây cũng là một phần trách nhiệm của những cán bộ tín dụng nơi đây. Và Sùng tin rằng, để cuộc sống của bà con ngày càng ấm no hơn thì việc nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào những mô hình sản xuất nông nghiệp mới được áp dụng kỹ thuật mới, và quan trọng hơn là phải gắn được  với thị trường. “Niềm tin tưởng của chúng tôi với bà con đã được chứng minh qua thực tế. Và chúng tôi và bà con cũng tin là tương lai cuộc sống trên mảnh đất cao nguyên đá sẽ tốt đẹp hơn trong nay mai.”


Thi Nhân 

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi